Những sai lầm khi bắt đầu kinh doanh nhỏ – Phần 2
2222222222222222222
Những sai lầm liệt kê trong bài này sẽ khiến bạn đau đầu và tốn tiền rất nhiều Để tiếp nối series bài viết ( Những sai lầm khi bắt ...
Cách làm hay
Rated 4.3/5 based on 9 votes
333333333
Những sai lầm liệt kê trong bài này sẽ khiến bạn đau đầu và tốn tiền rất nhiều
Để tiếp nối series bài viết (Những sai lầm khi bắt đầu kinh doanh nhỏ – Phần 1), tôi xin tiếp tục với các sai lầm tiếp theo mà những người khởi nghiệp thường mắc phải. Bạn thử xem mình có phạm sai lầm nào trong số này không nhé :). Bản thân tôi đã từng mắc một số trong những sai lầm này và tôi cũng đã sửa sai, nhưng tôi không dám chắc trong tương lai tôi không tái phạm với dự án khác. Sai lầm số 6: Chọn sai sản phẩm
Đây là sai lầm phổ biến, nhiều người mắc phải sai lầm này, bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Cách đây 7 năm, tôi đã từng kinh doanh cả sách giáo trình đại học, kinh doanh điện thoại CDMA,… và nhiều sản phẩm khác mà sau này tôi mới nhận ra là tôi chẳng có chút thế mạnh nào với những sản phẩm này. Dĩ nhiên là tôi đã thất bại.
Việc chọn sai sản phẩm có thể rơi vào 3 khả năng:
- Sản phẩm bạn chọn không phải thế mạnh của bạn
- Sản phẩm bạn chọn là thế mạnh của bạn nhưng không phải cái thị trường cần
- Cả hai trường hợp trên
Việc chọn sai sản phẩm đem đến nhiều hệ lụy:
- Bạn làm việc với sản phẩm không phải là thế mạnh của mình và phải rất mệt mỏi để cạnh tranh với các đối thủ khác mạnh hơn
- Bạn bỏ qua cơ hội phát huy thế mạnh thực sự của mình (với sản phẩm khác)
- Bạn phí công sức làm những sản phẩm mà khả năng tiêu thụ rất thấp (do nhu cầu ít)
- Các hệ lụy khác, bạn có thể tự kê ra ở phần comment
Như vậy rõ ràng là ngay từ khi bắt đầu, việc chọn đúng sản phẩm để làm là vô cùng quan trọng. Nó là điều kiện cần cho việc kinh doanh của bạn được “xuôi chèo mát mái” sau này. Thế nhưng lựa chọn sản phẩm phù hợp trên cơ sở nào? Có vài đúc rút mang tính kinh nghiệm để làm việc này, thể hiện qua các bước sau:
- Liệt kê danh sách những gì mà thị trường đang cần
- Kiểm tra xem trong danh sách đó những gì bạn có thế mạnh
- Trong những gì bạn có thế mạnh, xem xét tình hình cạnh tranh & các đối thủ như thế nào để cân đối giữa thế mạnh của bạn và tình hình cạnh tranh.
- Ưu tiên cho những sản phẩm mà bạn có thế mạnh vượt trội và tình hình cạnh tranh không quá gay gắt
- Lưu ý các điều kiện về vốn: Sản phẩm nhạy cảm với vốn hay không? Có phù hợp điều kiện tài chính của bạn hay không?
Qua quá trình “sàng lọc” như trên, bạn chọn ra được một vài sản phẩm mình có thể kinh doanh. Tất nhiên là bạn không thể cùng lúc làm tất cả từng đó sản phẩm. Hãy tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, người hợp tác,… để chọn ra một sản phẩm phù hợp nhất để làm. Nhiều bộ óc sẽ tốt hơn là một.
Sai lầm số 7: Nhầm lẫn giữa nhu cầu thị trường và sở thích của người dùng
Nhiều người trong chúng ta (trong đó có tôi ngày xưa) không phân biệt được nhu cầu của thị trường và sở thích của người dùng và thường đánh đồng 2 khái niệm này. Nhu cầu của thị trường là một khái niệm rộng, phản ánh những gì mà số đông người trong xã hội đang cần, đang thích. Ví dụ như: điện thoại thông minh, vé máy bay giá rẻ,… Chính vì phản ánh nhu cầu của số đông nên bản thân “nhu cầu thị trường” mang tính chung chung, không rõ ràng. Nếu bạn bắt đầu kinh doanh mà chỉ khảo sát nhu cầu thị trường không thôi thì chưa đủ vì sản phẩm bạn làm cần đáp ứng những thứ cụ thể hơn thế – đó là sở thích của người dùng, là người sẽ trực tiếp mua và sử dụng sản phẩm của bạn. Nhu cầu này phải hết sức cụ thể, chẳng hạn như: điện thoại thông minh màn hình 5 inch, có kết nối wifi, có pin khỏe,…
Rõ ràng là việc nhìn vào các con số thống kê, khảo sát qua báo chí, truyền thông,… chỉ cho bạn biết được nhu cầu thị trường ở mức chung chung. Khi xuất hiện nhu cầu thị trường dành cho một sản phẩm nào đó và bạn nhận thấy thế mạnh của mình đáp ứng được, bạn quyết định làm sản phẩm này. Nhưng khi bắt tay vào làm sản phẩm, bạn cần khảo sát cả sở thích của người dùng. Ví dụ, bạn quyết định sẽ kinh doanh gạo sạch chuyển từ nông thôn lên thành phố, bạn cần xác định xem người mua (trong phân khúc bạn nhắm đến, ví dụ: cán bộ nhà nước) sẽ cần gì/thích gì ở sản phẩm của bạn: gạo loại nào (tám thơm?), đóng gói bao nhiêu cân (5 hay 10), thời gian từ khi đặt hàng đến khi giao hàng là bao lâu, giao hàng tận nhà hay bán tại cửa hàng của bạn, trả tiền trước hay thu tiền khi giao hàng, độ tấm của gạo là bao nhiêu %,… Tất cả những “sở thích” này của khách hàng cần được nắm rõ để đạt mục đích cuối cùng của bạn: bán được hàng, khách hàng hài lòng và sẽ mua tiếp lần sau. Bản thân tôi, trong mảng kinh doanh của mình, đã có những sản phẩm thất bại, không bán được hàng vì sản phẩm không đáp ứng được những “sở thích” của khách hàng một cách thỏa đáng. Tất nhiên là việc này tiêu tốn của tôi khá nhiều tiền.
Để biết khách hàng thực sự cần gì/thích gì ở sản phẩm, chúng ta không thể ngồi mà “đoán” được (xem hình bên dưới). Chúng ta cần phải khảo sát để biết khách hàng thực sự cần gì/thích gì. Có một vài bước bạn có thể làm theo để phát hiện ra các “sở thích” này của khách hàng
- Xác định phân khúc khách hàng – check xem khách hàng của bạn là những ai (khoanh vùng)
- Đến gặp họ, khoảng 10 đến 20 người là OK
- Liệt kê các tiêu chí cần khảo sát (ví dụ: loại gạo gì, đóng gói bao kg,…) và xin họ cho ý kiến
- Hỏi họ xem, họ có đề xuất thêm gì hay không
- Tổng hợp ý kiến và phân tích
- Chọn ra một “cấu hình” sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chung của họ (ví dụ: cấu hình = tám thơm, bao 5kg, giao hàng tận nhà, thu tiền khi giao hàng, thời gian chờ giao hàng 1 tiếng,…)
Hình minh họa về việc những gì “khách hàng cần ở sản phẩm” thực sự rất khác những gì “chúng ta nghĩ họ cần”
Trên đây, tôi đã liệt kê thêm 2 sai lầm khi làm kinh doanh nhỏ. Vì 2 sai lầm này thường mắc phải khi chúng ta chính thức bắt đầu kinh doanh nên tôi đã cố gắng phân tích kỹ kèm theo phương án giải quyết. Bài viết phần 2 này thực ra dành cho những người đã “qua phần 1″ và bắt đầu quyết định bước chân vào kinh doanh. Hy vọng những chia sẻ trong phần 2 này hữu ích cho các bạn đang kinh doanh thực sự.
Theo khoahoc247.com
Minh Hạnh @ Khoa học 247., biên soạn
Chia sẻ cho bạn bè