Những sai lầm khi bắt đầu kinh doanh nhỏ – Phần 1
2222222222222222222
Kinh doanh nhỏ – Hình mang tính minh họa Thuật ngữ “Kinh doanh nhỏ” trong loạt bài này dùng để chỉ những hoạt động kinh doan...
Cách làm hay
Rated 4.3/5 based on 9 votes
333333333
Kinh doanh nhỏ – Hình mang tính minh họa
Thuật ngữ “Kinh doanh nhỏ” trong loạt bài này dùng để chỉ những hoạt động kinh doanh được vận hành bởi một hay một vài cá nhân, với quy mô nhỏ cả về nhân sự và khối lượng kinh doanh. Một vài ví dụ có thể kể đến: chị A bán hàng trên mạng, anh B phân phối gạo sạch chuyển từ quê lên cho những người hàng xóm ở cùng khu phố, cô C tư vấn và bán mỹ phẩm xách tay từ Pháp,…
Để tiện cho các bạn theo dõi, tôi là Hoàng Minh Hạnh, hiện đang điều hành một mô hình kinh doanh nhỏ. Mô hình kinh doanh của chúng tôi xoay quanh các sản phẩm tiêu dùng và đang vận hành khá ổn định. Qua 7 năm xây dựng mô hình này, trải qua không ít khó khăn, vấp ngã, tôi mạo muội chia sẻ góc nhìn của mình về những sai lầm mà chúng ta thường hay mắc phải khi bắt đầu kinh doanh nhỏ. Đây là góc nhìn phản ánh ý kiến cá nhân của tôi, nó có thể đúng, có thể sai. Tôi mong nhận được thêm nhiều thảo luận của các bạn để các nội dung về chủ đề này hoàn thiện hơn nữa nhằm cung cấp những góc nhìn đa chiều, khách quan, thực tế về kinh doanh nhỏ.
Sai lầm 1: Luôn nghĩ rằng cần có vốn mới kinh doanh được
Tôi đồng ý với ý kiến rằng vốn là rất quan trọng trong kinh doanh. Vốn giúp cho chúng ta có thêm điều kiện mở mang mạng lưới, nâng cao khả năng sản xuất, đổi mới dịch vụ, tuyển thêm nhân sự,…Nhưng đó là với những mô hình kinh doanh đã đi vào ổn định. Khi bắt đầu kinh doanh, phần lớn chúng ta đều không có điều kiện về vốn. Điều này làm nhiều người nản chí và bỏ cuộc. Nhưng trở ngại về vốn có thực sự nghiêm trọng như vậy không? Chúng ta cần phải nhìn vào bản chất của các loại hình kinh doanh để có thể có cách giải quyết phù hợp. Xét về khía cạnh vốn, có thể sơ bộ chia kinh doanh thành 2 loại:
- Loại hình “nhạy cảm” với vốn: Đòi hỏi nhiều vốn ngay khi bắt đầu, ví dụ như: mở tiệm tạp hóa, mở quán cafe, đầu tư sản xuất,…Với những loại hình này, yêu cầu về vốn là tất yếu. Nếu bạn không có vốn trong tay, liệu có phải là bạn sẽ không thể kinh doanh với mô hình này? Không hẳn, bạn vẫn có thể huy động vốn từ bạn bè, người thân, các nhà đầu tư,…bằng cách chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh chi tiết, nêu rõ tính khả thi của mô hình kinh doanh bạn định làm, những nguồn thu, lợi nhuận mà nó có thể mang lại cho họ. Nếu có lợi, chắc chắn họ sẽ đầu tư cho bạn. Vấn đề là bạn có ý tưởng kinh doanh đủ tốt. Tôi không khuyến khích các bạn vay tiền để kinh doanh, dù vay từ người thân hay từ ngân hàng vì khi bắt đầu kinh doanh, rủi ro là tương đối cao.
- Loại hình kinh doanh ít nhạy cảm với vốn: Đó là các mô hình kinh doanh mà bạn ít phải bỏ tiền trực tiếp, chẳng hạn như: môi giới, quảng bá sản phẩm thu hoa hồng, làm đại lý bán hàng cho một nhãn hàng nào đó, tư vấn,…Với những loại hình kinh doanh này, bạn hầu như không cần vốn mà cái bạn cần đầu tư chủ yếu là thời gian, công sức và hiểu biết về sản phẩm bạn làm. Qua thời gian, bạn tích lũy được kinh nghiệm, mối quan hệ và vốn để có thể đầu tư, mở rộng, nâng cấp,…dễ dàng hơn. Để thành công với mô hình này, ý tưởng kinh doanh của bạn và việc bạn chăm chỉ làm việc là rất quan trọng.
Qua sự phân tích trên, các bạn có thể thấy, trong cả hai trường hợp, vấn đề vốn không phải là yếu tố cản trở sự khởi nghiệp. Cái bạn thực sự cần là ý tưởng kinh doanh đủ tốt. Khi có ý tưởng tốt, vấn đề vốn sẽ được giải quyết bằng cách này hay cách khác. Nếu ý tưởng không tốt, dù có nhiều tiền trong tay, bạn cũng rất khó có thể thành công.
Thực tế kinh doanh 7 năm qua, vì không có vốn ban đầu, chúng tôi đã bắt đầu từ loại hình kinh doanh ít nhạy cảm với vốn (tư vấn, đại lý) và bây giờ, chúng tôi đang lan sang loại hình “cần vốn”.
Sai lầm 2: Không bắt đầu sớm và không kiên trì theo đuổi
Trong kinh doanh, dù lớn hay nhỏ, cái tên của bạn có ý nghĩa rất quan trọng. Trong kinh doanh nhỏ, cái tên như “thương hiệu” của bạn. “Thương hiệu” tốt là khi người ta nghĩ đến sản phẩm (mà bạn đang làm), người ta nghĩ ngay đến bạn. Ví dụ như ở khu vực của chúng tôi, khi người ta nghĩ đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, họ nghĩ đến tôi trong top đầu. Điều này không phải ngẫu nhiên mà có. Để có được “dấu ấn” như vậy, bạn cần phải trải qua một quá trình xây dựng uy tín, chứng tỏ sự hiểu biết, kinh nghiệm và sự ổn định trong kinh doanh. Tất cả những thứ đó chỉ có thể đến khi có đủ thời gian. Trong kinh doanh, bạn không thể đốt cháy giai đoạn trừ khi bạn có những sản phẩm đột phá, xuất sắc như Bill Gates. Nhưng rất tiếc, không phải ai trong chúng ta cũng là Bill Gates nên việc cần có thời gian để xây dựng thương hiệu là điều bắt buộc.
Để có được “thương hiệu” bền vững qua thời gian, bạn cần bắt đầu sớm và kiên trì theo đuổi. Bắt đầu sớm để bạn có thể tích lũy thời gian đủ lâu cho thương hiệu của mình. Kiên trì theo đuổi để tạo dựng uy tín, tích lũy kinh nghiệm và hiểu biết sâu về sản phẩm mình làm, để tạo dựng hình ảnh “ổn định” về bạn trong mắt khách hàng. Nếu bạn không kiên trì, mỗi khi gặp khó khăn lại chuyển mảng kinh doanh thì bạn sẽ mất nhiều thứ: 1) thâm niên kinh doanh, 2) những kinh nghiệm và mối quan hệ bạn đã tích lũy, 3) sự “ổn định” trong mắt khách hàng và nhiều thứ khác.
Nên bắt đầu sớm và nên kiên trì theo đuổi mô hình kinh doanh mình đã vạch ra là kinh nghiệm của tôi với mô hình kinh doanh nhỏ của mình.
Sai lầm 3: Ôm đồm quá nhiều mảng kinh doanh
Mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 giờ và số việc chúng ta làm được là có giới hạn. Việc ôm đồm quá nhiều mảng kinh doanh sẽ khiến bạn bị phân tán, mất tập trung và khó có thể làm tốt hẳn một mảng nào đó để lấy đó làm lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, việc ôm đồm nhiều mảng kinh doanh sẽ khiến hình ảnh “chuyên nghiệp” của bạn trong mắt khách hàng giảm đi phần nào độ tin cậy và bạn sẽ khó cạnh tranh hơn với các đối thủ khác.
Về mặt lý thuyết, chúng ta có cơ hội và có thể làm rất nhiều mảng kinh doanh khác nhau, nhưng về thực tế, do giới hạn của nguồn lực hiện có, chúng ta chỉ có thể chọn làm một vài mảng trong số những gì chúng ta có thể làm. Những người mới bắt đầu kinh doanh nhỏ thường rất hào hứng và có thể “sôi máu lên” vì một cơ hội kinh doanh mới. Nhưng hãy cẩn thận với việc bạn đi chệch hướng và phân tán nguồn lực. Tôi đã từng trải qua những cơn “sôi máu” như vậy và đã thất bại với những sự mở rộng như vậy.
Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy sự “tập trung” và việc giữ thăng bằng cảm xúc, tỉnh táo trước những “cơ hội” (cám dỗ) mới xuất hiện là rất quan trọng. Chúng ta cần biết và cần dũng cảm nói KHÔNG với những gì không thuộc danh mục ưu tiên.
Sai lầm 4: Có quá ít mảng kinh doanh
Ở bên trên, tôi nói rằng ôm đồm quá nhiều mảng kinh doanh là có hại cho bạn, thế sao ở đây tôi lại nói có quá ít mảng kinh doanh là sai lầm? Có gì mâu thuẫn ở đây không? Mấu chốt ở đây là việc phân bổ nguồn lực và phòng ngừa rủi ro. Nếu bạn có quá ít mảng kinh doanh, ví dụ như bạn chỉ kinh doanh riêng một mảng hàng xa xỉ chẳng hạn thì khi kinh tế đi xuống, khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm đi, hàng hóa không bán được và mô hình kinh doanh của bạn gặp vấn đề. Nếu suy thoái kinh tế kéo dài, bạn sẽ có nguy cơ phải đóng cửa. Trong tình huống này, nếu bạn không có mô hình kinh doanh khác để “sơ cua” thì bạn rất dễ lâm vào bế tắc do 1) thua lỗ và 2) chán nản. Để đề phòng trường hợp này, bạn nên có 1 hoặc 2 mảng kinh doanh khác để dự phòng. Những mảng kinh doanh này khi bình thường bạn có thể làm ở mức nhỏ nhỏ, đều đều. Nhưng đến khi mảng kinh doanh chính gặp vấn đề, bạn có thể chuyển qua các mảng kinh doanh “phụ” để chuyển hướng kinh doanh và thoát hiểm. Nếu không có sự chuẩn bị, bạn sẽ rất khó để có thể bắt đầu từ đầu một mảng kinh doanh mới.
Người ta vẫn nói “không nên để tất cả trứng vào chung một giỏ”. Câu này áp dụng cho cả việc đầu tư tài chính lớn và việc kinh doanh nhỏ của bạn. Vấn đề quan trọng là ở mỗi thời điểm, bạn ưu tiên mảng nào và đầu tư nhiều hơn cho nó hơn những mảng khác. Nếu không phân bổ sự ưu tiên hợp lý, bạn sẽ rơi vào sai lầm số 3 bên trên.
Luôn nhớ có “Plan B” Sai lầm 5: Ngại làm những việc nhỏ
Tôi gặp nhiều bạn trẻ rất hăng hái với đề tài khởi sự kinh doanh. Tôi nhận thấy phần lớn các bạn đó thường nói về những mô hình kinh doanh to lớn, hoành tráng và thường họ “ngại” không làm những việc nhỏ. Theo quan điểm và kinh nghiệm của tôi, khi khởi sự, chúng ta đều rất hạn chế về kinh nghiệm, nguồn vốn, nhân lực,…nên việc bắt đầu với những dự án kinh doanh lớn là rất khó và xác suất thất bại tương đối cao. Sẽ có 3 khả năng có thể xảy ra:
- Bạn sẽ thành công: Khả năng này có, nhưng ít xảy ra, đòi hỏi sự xuất sắc thực sự và mô hình kinh doanh mang tính đột phá. Điều này không phải ai cũng có thể làm được.
- Bạn sẽ (được tạo cơ hội làm) và thất bại: Khả năng này xảy ra khá nhiều, thất bại do yếu tố kinh nghiệm chưa đủ đáp ứng cho các mô hình kinh doanh lớn
- Bạn sẽ cứ mãi dừng ở mức “dự định”: Bạn không có đủ lực để bắt đầu, đơn giản vì mô hình đó đòi hỏi quá nhiều hơn những thứ bạn có. Tình huống này thường xảy ra nhất.
Quan điểm của tôi là bạn nên bắt đầu từ những việc nhỏ, để tích lũy kinh nghiệm, quan hệ, hiểu biết cũng như vốn để có thể chuẩn bị cho những dự án lớn sau này. Nếu không qua những dự án nhỏ, bạn sẽ khó có thể vận hành trơn tru những dự án lớn, nếu có.
Trên đây là những chia sẻ ban đầu của cá nhân tôi về những sai lầm thường gặp khi bắt đầu kinh doanh nhỏ. Tất cả những chia sẻ này đều xuất phát từ quan điểm và kinh nghiệm của cá nhân tôi. Nó có thể đúng, có thể chưa đúng. Tôi rất mong nhận được những thảo luận thêm của các bạn yêu thích kinh doanh để hoàn thiện nội dung này.
Theo khoahoc247.com
Minh Hạnh @ Khoa học 247.com Biên soạn
Chia sẻ cho bạn bè